HỌC TẬP THEO CHỦ ĐỀ STEM
TRONG MÔN CÔNG NGHỆ
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các giáo viên trường Trương Vĩnh Ký đã nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ đổi mới kiểm tra, đánh giá (KTĐG) theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đối với khối lớp 6, 7. Đặc biệt đối với bộ môn Công Nghệ, các giáo viên bộ môn đã thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng 60% thực hành – 40% lý thuyết, trong đó thông qua hoạt động thực hành làm mô hình, sản phẩm,… học sinh sẽ được rèn luyện năng lực tư duy, sáng tạo, tranh luận, phản biện; đồng thời trang bị cho học sinh những kỹ năng phù hợp để phát triển: Tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng diễn đạt và thuyết trình, kỹ năng trao đổi và cộng tác, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo dự án…
Năm học 2022 – 2023, tổ Tự nhiên trường Trương Vĩnh Ký tiến hành tổ chức dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong môn Công nghệ 6 – 7.
Giáo dục STEM là phương thức dạy học tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành ứng dụng STEM kết hợp các môn học thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa được học kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn, kết nối trường học với cộng đồng; định hướng trải nghiệm trong học tập; hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Bên cạnh đó, việc cho học sinh thực hành ứng dụng STEM, vận dụng các kiến thức liên môn đã học trên lớp vào thực tiễn giúp các em tiếp cận kiến thức một cách chủ động, dễ dàng.
Bộ môn Công nghệ đã triển khai tiết học STEM về chủ đề “thiết kế thời trang” – Công nghệ 6 và “xây dựng mô hình chuồng nuôi trong chăn nuôi” – Công nghệ 7 tại khối lớp 6, 7. Trong quá trình thực nghiệm, học sinh rất hào hứng, tích cực tham gia hoạt động và thiết kế, xây dựng các bài thuyết trình bằng sơ đồ tư duy hoặc powerpoint.
Một số hình ảnh về chủ đề “Thiết kế thời trang” – Công nghệ 6




Một số hình ảnh về chủ đề “xây dựng mô hình chuồng nuôi trong chăn nuôi” – Công nghệ 7



Chương trình mới, môn học mới buộc các nhà trường phải đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng thực tế, ứng dụng, linh hoạt hơn. Việc đổi mới đã thổi một “làn gió mới” góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên và phát triển năng lực học tập của học sinh. Tập thể giáo viên trường Trương Vĩnh Ký luôn cố gắng, phát huy và tạo điều kiện để chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn, đáp ứng đúng phương châm: “học để biết - học để làm - học để chung sống - học để tự khẳng định mình”.
Gv. Nguyễn Thị Thu Trúc